Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

#

TỔ NGHIỆP NGHỀ KIM HOÀN

LỆ CHÂU HỘI QUÁN  LÀ GÌ ? VÀ NGÀY TỔ NGHIỆP NGHỀ KIM HOÀN

LỆ CHÂU HỘI QUÁN  là nhà thờ tổ nghiệp nghề kim hoàn, nơi hội tụ gặp gỡ , hàng năm giữa các bậc tiền bối , nghệ nhân kim hoàn , các thợ kim hoàn lành nghề, thiết kế nữ trang , doanh nghiệp kinh doanh vàng ,cơ sở sản xuất nữ trang và các tiệm vàng khắp nơi , hội tụ về đây hàng năm để cùng nhau chia sẽ buồn vui về nghề kim hoàn.



 Lệ Châu hội quán tọa lạc tại số 586 Trần Hưng Đạo, Phường 14, Quận 5, cách trung tâm Thành Phố Hồ Chí Minh khoảng 6Km. Lệ Châu hội quán tuy không lớn về khuôn viên, không đặc sắc về quy mô kiến trúc nhưng là một di tích quan trọng của nghề Kim Hoàn ở TP.Hồ Chí Minh.

Xuất xứ tên gọi Lệ Châu:
Theo lời kể lại, từ trước năm 1892, thợ kim hoàn tại khu vực Chợ lớn thường tập hợp ở các lò chế tác nữ trang, vì lúc này các tiệm vàng chuyên bán nữ trang chưa có. Càng ngày nghề thợ bạc càng phát triển nên nhiều người có sáng kiến lập một ngôi nhà tổ nghiệp kim hoàn, để con cháu đời sau biết đến nghề của ông cha mình.
Vào năm 1892, nhà thờ tổ được tiến hành xây cất qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ, đến năm 1896 mới hoàn thành và tạm gọi là: “Nhà thờ tổ kim hoàn”. Cho đến đợt trùng tu vào năm 1934, ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, mái ngói móc lợp theo kiểu âm dương. Phía trước đền có bộ cửa sắt bao bọc, trên vòm cửa có bốn chữ: “Lệ Châu Hội Quán” được đúc bằng đồng. Dọc hai bên cửa sắt có câu đối:

“Lệ thủy kim sinh cơ quốc thái

Châu đê ngân xuất nghiệp dân an”

(Sông Lệ sinh vàng nên quốc thái

Bờ Câu ra bạc nghiệp dân an)

Nguồn gốc tên Lệ Châu được giải thích bằng hai cách. Sở dĩ Đền thờ Lệ Châu được đặt tên như thế xuất phát từ câu: “Kim Trần Lệ Thủy, Ngân Xuất Châu Đê” (Vàng chìm sông lệ, bạc xuất bờ châu). Hai chữ Lệ Châu có nghĩa là vàng bạc và ý này được lấy để đặt tên cho ngôi đình tổ thợ bạc.

Ngoài ra truyền thuyết của ngành thợ kim hoàn, đền thờ Lệ Châu do các thợ bạc Chợ Lớn lập nên để nhớ ơn ba anh em họ Trần ở làng Đinh Công (Hà Nội) vào vùng Sài Gòn - Chợ Lớn phổ biến nghề thợ kim hoàn. Sau một thời gian, ba ông tiếp tục qua Nam Vang (Campuchia), Lào, Thái Lan truyền nghề và không trở về nữa. Nhớ ơn tổ nghề, những người thợ bạc đã cùng nhau lập nhà thờ, lấy tên Lệ Châu, còn có nghĩa là nước mắt rơi, nói lên nỗi mất mát, thương nhớ của học trò đối với thầy.

Chính vì những lý do trên, những người trong ngành kim hoàn đã thống nhất đổi tên ngôi đền là Lệ Châu. Lệ Châu là nơi quy tụ các tay nghề thợ bạc cùng nhau đoàn kết để phát huy nghề truyền thống,
nên được gọi Lệ Châu hội sở, sau đổi thành Lệ Châu hội quán cho đến nay.



Lệ Châu Hội Quán được xây dựng theo kết cấu ba gian dọc, trước có sân rộng khoảng 400m2. Bên trong trang trí đơn giản và chỉ có ba khám thờ. Khám ở giữa thờ một bức sơn son thiếp vàng với hai chữ đại tự rất đẹp “Tổ Sư”. Khám thờ bên phải nhỏ hơn với hai chữ “Tiền Hiền”, bên trái là hai chữ “Hậu Hiền”. Từ ngoài vào trong có 9 bức hoành phi, chủ đề nói lòng nhớ ơn công đức tổ nghề như “ Bản thủy sơn tiên”, “Nghệ truyền nguyên phái”… Riêng 5 câu đối sơn son thiếp vàng được chạm khắc tinh xảo ở hai hàng cột cũng không nằm ngoài nội dung ấy . Tất cả các bức hoành phi, câu đối, khám thờ sơn son thiếp vàng còn rực rỡ, rõ nét, chạm trổ công phu, chứng tỏ độ vàng và tuổi vàng cao



Chính điện đặt chuông và trống đối diện hai bên. Ngoài ra còn một số bàn và giá ảnh (bình phong) chạm khắc rất tinh xảo, mô tả cảnh sơn thủy của người Hoa dâng tặng Lệ Châu hội quán. 

Đáng chú ý hơn cả ở Lệ Châu Hội quán là bốn tấm bia nằm đăng đối nhau hai bên vách chính điện. Trên các tấm bia ghi tên người, tên hiệu, tên địa phương của những người làm nghề thợ bạc và số tiền đóng góp cho hội quán ở khắp vùng đất lục tỉnh xưa kia. Lệ Châu hội quán đã trải qua nhiều thăng trầm của biến cố lịch sử. Tuy nhiên, bắt đầu từ lúc mới gầy dựng qua các bước tiến của nghề nghiệp, của sự đoàn kết giữa chủ và thợ mà Lệ Châu hội quán luôn được tu bổ, bảo quản trọn vẹn như ngày nay. 

Nếu trước đây chỉ có 3 khám thờ, từ năm 1998, Lệ Châu hội quán còn có sắc phong thờ Đệ Nhất tổ sư Cao Đình Độ, Đệ nhị tổ sư Cao Đình Hương, các vị tổ đời thứ hai là ba anh em họ Huỳnh: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ngày chánh giỗ tổ sư kim hoàn lấy theo ngày mất của nhị tổ sư cao Đình Hương vào ngày 7 – 2 (âm lịch) hằng năm. 




NGÀY  GIỔ TỔ NGHIỆP NGHỀ KIM HOÀN


Theo ước lệ của từng vùng, ngày giỗ tổ Kim Hoàn ở Việt Nam có khác, và điều được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm trong không khí trang nghiêm, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai sáng nghề kim hoàn. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, lễ giỗ theo nghi thức truyền thống, lớn và quy mô nhất diễn ra ở Lệ Châu hội quán – di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Bộ văn hóa Thông in công nhận vào năm 1998.

Hằng năm, vào các ngày 6, 7, 8 – 2 âm lịch được xem là ngày hội của những người sản xuất, kinh doanh vàng bạc. Lễ giỗ tổ kim hoàn được tổ chức rất qui mô, quy tụ hàng ngàn người trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng Thành Phố Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh Nam Bộ cũng về dự, cúng bái những tổ sư khai sáng ngành kim hoàn. Đồng thời, đây còn là dịp để các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, chia sẻ những chuyện buồn vui trong cuộc sống… 



Những ngày này, Lệ Châu hội quán được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ trong đến ngoài, tạo cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm. Mặc dù mùng 7 mới là chánh lễ, nhưng việc cúng tế đã được chuẩn bị trước đó vài ngày. Không phải ai cũng lo việc cúng tế, mà phải là những người đã qua lớp Tổng lý – chuyên  trách phụ cúng kiếng, nhang đèn vào các dịp lễ trong năm: giỗ tổ, Thanh minh, Vu lan. Mỗi tổng lý chỉ lo việc cúng tế trong một năm. 


Mở màn giỗ tổ là tối mùng 6 – 2 với nghi thức cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư thợ bạc Việt Nam của các vị vua Triều Nguyễn cho người tham dự, đặc biệt là người trong nghề hiểu biết xuất xứ của tổ nghề. Ngày chánh tế mùng 7 – 2, cúng  -  ba “Viên” theo nghi thức lễ giỗ truyền thống. Viên thứ nhất .. Chấp minh vào 8 giờ sáng để rước tổ sư. Viên thứ hai .. Chánh tế tổ sư từ 22 giờ đến 24 giờ. Viên thứ ba diễn ra vào 16 giờ ngày 8 – 2, tế nghĩa từ - những người có công xây dựng Lệ Châu hội quán. 



Viên là cách gọi về mỗi phần lễ. Viên được tiến hành theo nghi thức cổ truyền, dâng phẩm vật như trà, bánh, trái cây, heo quay…Trong các viên, chánh hoặc phó hội trưởng Lệ Châu hội quán đọc văn tế đọc trong ngày giỗ tổ do soạn giả cải lương Viễn Câu sáng tác, thay vì xưa kia chỉ xây chầu hát bội. 




Những thành viên ban quản trị đền thờ trong bộ lễ phục áo dài khăn đóng, đứng trước Bài Vị tổ sư vái lạy. Bên trong đền, những người thợ bạc thắp hương và dâng mâm hoa quả xếp hình long, lân, quy, phụng  với tấm lòng thành kính, biết ơn người đã có công truyền dạy nghề cho con cháu, giúp ích cho xã hội và mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình họ.



Nếu xưa kia, Lệ Châu Hội Quán là nơi hội họp quan trọng của những người thợ bạc vùng đất lục tỉnh thì ngày nay, Lệ Châu hội quán đã trở thành nơi để thợ kim hoàn thể hiện lòng biết ơn đối với tổ nghề. Chính nơi đây họ còn tìm thấy một sức mạnh tinh thần để có thêm niềm tin đối với bản thân cũng như nghề nghiệp. Đền thờ tổ nghề kim hoàn - Lệ Châu hội quán đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin cấp bằng công nhận Di Tích Lịch Sử Văn Hóa vào năm 1998.




Nguồn  google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ZALO - VIBER : 09 9696 0929